Vào thời các Chúa Nguyễn, trên bước đường di dân cũng như trên con đường hoằng hóa, các vị Thiền sư đã đưa Phật giáo du nhập vào đàng trong nói chung và vùng đất miền Tây nói riêng, cũng từ đấy đã hình thành nên nền văn hóa đặc thù của Phật giáo trên vùng đất sông nước An Giang. Trãi qua hàng trăm năm, Phật giáo từng bước phát triển và hình thành nhiều ngôi chùa đã gắn liền trong đời sống tâm linh của người Việt ở vùng đất này, trong đó có ngôi chùa Phi Lai. Một ngôi chùa có vai trò đặc biệt trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam.

TDPL08032020_10_edit Tổ đình Phi Lai Tọa lạc dưới chân núi Kỳ Hương, khi xưa thuộc làng Tú Tề – Doi Bà Khẹt (địa danh của người Khmer) thuộc tổng Thành Ý, huyện Tri Tôn, hạt Châu Độc nay là ấp Núi Voi, xã Núi Voi, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.

Tiên khởi nơi đây là vùng đất hoang sơ gần biên giới Campuchia, nơi cư dân giữa hai dân tộc Việt Nam và Campuchia cùng chung sống hài hòa. Do đó mà tại đây ngoài một số chùa Nam Tông của Phật giáo Khmer cũng có ngôi chùa Bắc Tông đơn sơ mái tranh vách lá tên là Phi Lai Cổ Tự do dân làng Tú Tề thành lập năm 1786, có tên gọi là Chùa Làng Tú Tế.

Vào khoảng đầu thế kỷ 20 năm 1900, trên bước đường du hóa Tổ sư Chí Thiền đã trụ tích tại nơi đây để kiến lập đạo tràng hoằng truyền Phật pháp, tương truyền ban sơ Tổ Chí Thiền từ Chùa Giác Viên – Gia Định đi về núi Cấm và trước đó Phật Thầy Tây An có báo mộng cho các đệ tử của mình biết là sẽ có một vị Cao Tăng sắp về đến đây, các con chuẩn bị mà tiếp đón. Sau 3 ngày chờ đợi (tức vào đêm thứ 3) mà vẫn không thấy có ai xuất hiện mọi người đang bàn tán: không lẽ Thầy mình báo mộng sai! Nhưng lúc này Tổ đã có mặt ở chân núi Cấm, bởi trải qua lộ trình xa xôi vất vả nên Tổ có ý định tìm chỗ để nghỉ chân. Chợt thấy có ánh đèn le lói từ căn nhà lá, Tổ đã đến xin được tá túc qua đêm, khi Tổ vừa đến nơi, mọi người có mặt đều rất vui mừng vì người mà mình đang chờ đợi đã xuất hiện.

Ban đầu Tổ tịnh tu tại núi Cấm (nơi vị trí chùa Vạn Linh hiện nay) suốt trong 3 tháng, thời gian sau đó năm 1900 các hương chức cùng dân làng Tú Tề đã đến nơi để cung thỉnh Tổ về Trụ trì Chùa Phi Lai. Cứ mỗi đêm khi Tổ tụng Kinh Pháp Hoa thì có đàn hạt đến đậu trên cây me phía sau Chùa. Do đó Tổ đặt tên là Chùa Phi Lai.

TDPL_Pano-01_edit

Tại ngôi chùa lịch sử này, năm 1903 Hòa Thượng đã có dịp hội kiến cùng với Cụ Phan Bội Châu và có lời căn dặn như sau: “Phàm muốn làm việc gì bí mật, có bàn bạc với nhau, chỉ nên ở giữa trời xanh, ngày trắng, hoặc ở nơi đồng trống đường to, không nên ở chổ đêm khuya nhà kín, tai mắt mình không thể phòng xa được, chỉ làm thêm cơ hội cho những ai muốn rình xét”.

Bước đầu nơi chốn biên thùy xa xôi cách trở, mọi điều kiện đều thiếu thốn khó khăn, nhưng với tinh thần kiên trì, nhẫn nại kết hợp với phương tiện khéo léo mà Tổ đã tạo dựng được thiện cảm sâu sắc với các hương chức trong làng và sự quy phục của dân chúng tại địa phương nên Ngài đã thành lập được các nông trại để tổ chức canh tác tạo được nguồn thu nhập đáng kể, Tổ còn cho mua bán khoai, muối để có huê lợi tích góp tạo nên kinh phí xây dựng chùa và phần nữa để giúp đỡ cho dân nghèo khi lâm cơn hoạn nạn.

TonsuNhuhien-01_edit Di ảnh Tôn sư Như Hiển – Chí Thiền

Dần dần với uy đức và đạo hạnh sáng ngời của Tổ đã vang xa nên tứ phương Tăng tục ở khắp nơi đã tìm đến Ngài để cầu xin quy y tu học rất đông, chính vì thế mà ngôi già lam trang nghiêm tú lệ đã được hình thành, cũng từ đó Chùa Phi Lai được xem như một trong những điểm nhấn của phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam do Tổ Lê Khánh Hòa khởi xướng. Theo các bậc tiền bối kể lại thì chùa Phi Lai khi ấy được kiến tạo trên một khu đất gần 2 mẫu. Riêng phần kiến trúc xây dựng được dàn trải trên hàng nghìn mét vuông đất. Các công trình vừa chính và phụ đếm được trên 20 hạng mục.

Vào năm (1915 – 1930) Chùa Phi Lai còn là nơi hội tụ của chư vị Hòa Thượng trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam như: Miền Nam có HT Khánh Hòa, HT Huệ Quang, HT Pháp Hải, HT Từ Phong… Miền Trung có HT Khánh Anh (chùa Quang Lộc – Quảng Ngãi) HT Vạn Ân (chùa Hương Tích – Phú Yên), HT Phổ Tuệ (chùa Tịnh Lâm – Bình Định), HT Chơn Niệm (chùa Trùng Khánh – Phan Rang)…đã tập hợp về đây bàn phương hướng chấn hưng Phật giáo Việt Nam như tổ chức các Giới Đàn, khóa An cư Kiết hạ và các lớp Phật học gia giáo tại chùa Phi Lai được duy trì liên tục cho đến ngày Tổ viên tịch. Do đó trong khoảng thời gian này Quý Hòa thượng đã từng xuất thân từ Chùa Phi Lai như: HT Thiện Minh, HT Thiện Tòng, HT Thiện Hoa, HT Thiện Tâm, HT Thiện Tường, HT Thiện Quang, HT Huệ Hải, HT Pháp Thân, HT Huệ Tịnh, HT Trí Tịnh, HT Từ Nhơn, HT Thiện Từ…

Ngày rằm tháng 2 âm lịch năm Quý Dậu – 1933 Tổ viên tịch sau đó HT Thích Thiện Minh Húy Hồng Pháp trưởng tử của Tổ kế nghiệp Trụ trì. Vào năm 1945 do biến cố thời cuộc nên chùa Phi Lai bị thiêu hủy hoàn toàn, trong biến cố này cố Hòa thượng Thích Thiện Minh trưởng tử của Tổ, đồng thời là Trụ trì chùa Phi Lai cũng đã viên tịch.

Năm 1947, trước sự hoang tàn đổ nát của ngôi Tổ đình, chư tôn đức trong Tông phong đứng đầu là cố Hòa thượng Thích Thiện Tòng (chùa Trường Thạnh Sài Gòn), HT Thích Thiện Tường (chùa An Sơn – hạt Châu Đốc) và Ni trưởng Diệu Kim (chùa Bảo An – Cần Thơ) hiệp cùng môn phong pháp quyến đã hợp sức vận động tài chánh để tái thiết ngôi Tổ đình trên nền của Chánh Điện cũ, nhưng quy mô kiến trúc thì khiêm tốn hơn nhiều so với công trình mà Tổ xưa đã xây dựng các phế tích còn sót lại rải rác trong khuôn viên chùa đã minh chứng cho qui mô của công trình ngày trước. Từ năm (1954 – 1975) sau khi Chùa Vạn Linh Núi Cấm bị chiến tranh phá hủy, HT Thích Thiện Thành Trưởng tử Hòa Thượng Thích Thiện Quang – Hồng Xứng Trụ trì Chùa Vạn Linh đã tản cư về Chùa Phi Lai và Trụ trì cho đến ngày giải phóng miền nam thống nhất đất nước 1976. Năm 1981 Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập thì các tỉnh hội cũng lần lược ra đời, trong đó có tỉnh hội Phật giáo tỉnh An Giang, do khó khăn về mặt nhân sự và vùng biên giới nên từ năm 1983 – 1992 chỉ thành lập được Ban Trị sự lâm thời Phật giáo Tỉnh An Giang. Đến năm 1993 mới tổ chức Đại hội và sau đó chính thức thành lập Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Tỉnh An Giang.

Để quản lý Cơ sở tự viện trong tỉnh lúc đó chùa Phi Lai – Huyện Tịnh Biên thuộc Tỉnh hội Phật giáo tỉnh An Giang. HT Thích Thiện Tấn Trưởng tử HT Thích Thiện Thành vì tuổi cao sức yếu, nên ngày 18/12/1992 đã bàn giao Chùa Phi Lai lại cho Ni Sư Diệu Tâm, (Lệ Lai) Thường gọi là Ni Sư Hồng Đắc là đệ tử HT Thiện Thành đảm nhận chức vụ Trụ trì Chùa Phi Lai từ năm 1992 – 2012. Do tuổi cao sức yếu nhất là phải quản lý điều hành Phật sự cở sở Phật giáo Tỉnh An Giang trong thời kỳ hội nhập và phát triển, thế nên thông qua đề nghi của Ban đại diện Phật giáo huyện Tịnh Biên sau này là Ban Trị sự về việc chính thức bổ nhiệm ĐĐ Thích Thiện Căn đảm trách vai trò trụ trì Chùa Phi Lai từ năm 2012 cho đến nay.

Trải qua những năm tháng thăng trầm và biến cố của lịch sử gần 300 năm, những phế tích cũ và ngôi chánh điện khiêm tốn của chùa Phi Lai đã xuống cấp trầm trọng và hư dột nhiều nơi. Để đáp ứng theo nguyện vọng thiết tha mong đợi của hàng môn nhơn pháp quyến và bổn đạo Phật tử khắp nơi, Năm Mậu Tuất 2018 Với sự khởi xướng của HT Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Trụ Trì Chùa Minh Đạo, đã tập hợp chư Tôn đức trong Môn hạ về tham dự phiên họp do Hòa thượng chủ trì và cũng từ đó Ban trùng tu Tổ đình Phi Lai đã được thành lập, do Hòa thượng làm Trưởng ban, cùng chư tôn đức trong tông môn đồng phát tâm đại trùng tu ngôi Tổ đình để báo đáp phần nào ân đức sâu dầy của chư liệt vị Tổ Sư đã dày công tạo lập, đồng thời cũng đóng góp một thắng tích lịch sử cho tỉnh nhà. Vào ngày 15 tháng 2 năm Mậu Tuất nhân sự kiện Lễ húy kỵ lần thứ 85 Tổ Sư Như Hiển – Chí Thiền, được sự quan tâm giúp đỡ của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh An Giang cũng như quý cấp chánh quyền tỉnh, Ban trùng tu và Môn hạ Tổ đình Phi Lai đã cung thỉnh Chư tôn đức quang lâm tham dự lễ húy kỵ và chính thức động thổ đặt đá khởi công trùng tu Tổ đình Phi Lai. Trải qua gần 1 năm thi công dưới sự trực tiếp quang lâm và chỉ dẫn tận tình của HT Thích Thiện Nhơn – Trưởng ban trùng tu và chư Tôn đức trong Môn hạ cũng như sự hoan hỷ công đức của chư Tôn đức Tăng Ni, quý mạnh thường quân và Phật tử gần xa phát tâm hỷ cúng, công trình Ngôi Chánh điện đã được hoàn thiện và khánh thành giai đoạn 1 nhân ngày lễ húy kỵ lần thứ 86 của Tổ sư Chí Thiền.

TDPL-GD1-04_edit Lễ Khánh thành giai đoạn 1 Tổ đình Phi Lai (vào năm 2019)

TDPL08032020_06_edit HT Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch HĐTS GHPGVN

Ngôi chánh điện Tổ đình Phi Lai được xây dựng theo lối kiến trúc Chùa Việt Nam kết hợp giữa nét văn hóa truyền thống và hiện đại của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Phật giáo tỉnh An Giang, các hạng mục đã được thi công trong giai đoạn này bao gồm: Khu Chánh điện: gồm 01 Trệt + 01 Lầu + 07 mái Cổ Lầu, Chiều dài 58.8m chiều ngang 33.4m, Diện tích tầng trệt: 1.963m2.Tổng diện tích sử dụng 2 tầng: 3.927m2, tổng chiều cao công trình là: 36,5m + Tầng trệt là khu Trai đường + phòng nghỉ chư Tăng.

TDPL08032020_17_edit

Tầng 1 là khu Thờ tự, Bao gồm 03 gian Tiền điện Tôn trí Bồ tát Di Lặc – Tứ Đại Thiên Vương – Kim Cang Hộ Pháp, Chánh điện thờ Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni – Bồ tát Văn Thù – Bồ tát Phổ Hiền và thập bát La Hán, Hậu Điện là khu thờ Tổ sư Chí Thiền cùng chư liệt vị tiền bối Tổ sư qua các thời kỳ. Liên kết tổng thể gồm Tiền điện có 02 mái cồ lầu , ở giữa là chánh điện có 05 mái cổ lầu kết hợp đỉnh tháp bằng đồng dát vàng với trọng lượng 03 tấn và chiều cao 8m, Liên kết phía sau là khu thờ Tổ có 03 mái theo kiến trúc thuần túy mang đậm nét văn hóa Việt.

Khu Lưu niệm là khu lưu giữ những tôn tượng Phật và Bồ tát từ thời Tổ Chí Thiền đến nay. Kiến trúc gồm 1 Trệt và Mái ngói,Chiều dài 15.4m chiều ngang 11.4 m, chiều cao: 11,5m Tổng diện tích 175.5m2.

Nhân đại lễ tưởng niệm lần thứ 86 ngày Tổ sư Chí Thiền viên tịch (15/2/Quý Dậu), môn phong Tổ đình Phi Lai đã trang nghiêm tổ chức khánh thành giai đoạn 1 với sự quang lâm chứng minh và tham dự của hàng ngàn chư Tôn đức, Tăng, ni cùng lãnh đạo chính quyền các cấp và đồng bào Phật tử. Ngôi Cổ tự này là nơi sinh hoạt cho Chư Tăng và Phật tử khắp nơi về nương tựa tu tập thực hành lời Phật dạy, noi theo tấm gương đạo hạnh sáng ngời của Tổ Sư Như Hiển – Chí Thiền và chư vị tiền bối Tổ Sư. Có thể nói, ngôi Tổ đình Phi Lai không chỉ là nơi bình yên thanh tịnh để tất cả người con Phật khắp nơi trở về tu tập, hướng đến những giá trị tốt đẹp trong đời sống mà còn là một danh lam thắng cảnh văn hóa tâm linh, tô điểm cho nền văn hóa dân tộc Việt, đồng thời góp phần trang nghiêm cho Phật giáo Việt Nam nói chung và tỉnh An Giang nói riêng.

TDPL-GD1_001_edit

TDPL-GD1-002_edit

Tổ đình Phi Lai là ngôi Cổ tự gắn liền với dòng lịch sử của bậc cao tăng có công lao trong công cuộc xiển dương chánh pháp và chấn hưng Phật giáo, là nơi hội tụ những giá trị đạo đức tâm linh, nền kiến trúc văn hóa đặc thù chùa Việt. Tổ đình Phi Lai sẽ mãi mãi lan tỏa hương thơm đạo hạnh như một loài hoa có sắc lại có hương.

TDPL08032020_15_edit

TDPL-PANO-02_edit

Ban Biên Tập